google.com, pub-6290563802010924, DIRECT, f08c47fec0942fa0
top of page

Bệnh chân, tay, miệng ở trẻ: Dấu hiệu nhận biết, các biến chứng và cách phòng tránh

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm phổ biến mà trẻ có nguy cơ gặp phải trong thời điểm giao mùa; đặc biệt, nếu không có biện pháp phòng chống đúng đắn, bệnh sẽ bùng phát mạnh và dễ bị lây lan. Hiểu rõ điều đó, Hệ Thống Mầm Non Bình Minh sẽ cung cấp cho bố mẹ những dấu hiệu nhận biết, các biến chứng của bệnh và cách phòng tránh.


MỤC LỤC

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là từ tháng 3 – 5 và từ tháng 8 – 10 hằng năm. Bệnh rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.


1. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh tay chân miệng chủ yếu do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71. Trong đó, virus Coxsackie A16 ít gây ra các biến chứng về thần kinh và có thể tự khỏi trong vài ngày. Ngược lại, virus Enterovirus typ 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong.


Ngoài Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71, một số chủng virus nhóm A khác như Coxsackie A4-A7, A9, A10 hoặc virus Coxsackie nhóm B (B1-B3, và B5) cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.


𝟐. Các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng có những dấu hiệu nhận biết khác nhau tùy vào từng giai đoạn, cụ thể như: - Giai đoạn ủ bệnh 3 – 6 ngày. - Giai đoạn khi phát bắt đầu với các triệu chứng dễ nhận thấy gồm:

  • Trẻ bị sốt, mệt mỏi, sốt nhẹ (37, 5 -38 độ C) hoặc bị sốt cao (38 - 39 độ C).

  • Đau họng.

  • Tổn thương, đau rát ở răng và miệng.

  • Chảy nước bọt nhiều.

  • Biếng ăn.

  • Tiêu chảy vài lần trong ngày.

- Giai đoạn toàn phát (thường bắt đầu sau 1 – 2 ngày khởi phát bệnh), trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh như:

  • Trẻ bị phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước có đường kính 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục. Chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa.

  • Loét miệng: ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 – 3mm, dễ vỡ. Khi vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc.

  • Trên mông của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ xuất hiện các mụn lở, rộp da.

  • Dấu hiệu toàn thân: rối loạn tri giác, mê sảng, co giật.

  • Ở giai đoạn toàn phát trẻ bắt đầu phát ban ở bàn chân.

Ngoài các triệu chứng điển hình trên, tùy vào từng cơ địa, bệnh tay chân miệng còn xuất hiện thêm các biểu hiện như: Bóng nước rất ít xen kẽ với hồng ban hoặc chỉ xuất hiện hồng ban. Một số trường hợp bé chỉ xuất hiện loét miệng.


Nếu tình trạng bệnh nhẹ, sau 7 – 10 ngày chăm sóc tại nhà, trẻ sẽ hồi phục sức khỏe hoàn toàn. Trường hợp bé sốt cao (trên 39 độ C) kéo dài hơn 48 giờ kèm theo các biểu hiện như ói, tay chân run rẩy, co giật, tim đập nhanh, khó thở, da nổi vằn, gia đình cần đưa trẻ nhập viện ngay lập tức.


Sau khi khỏi bệnh, cơ thể trẻ sẽ miễn dịch với chủng virus gây bệnh. Tuy nhiên, theo kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ có thể mắc tay chân miệng nhiều lần và lần bị bệnh sau là do những chủng virus khác với lần trước gây ra.


3. Bệnh tay chân miệng truyền nhiễm qua đâu?

Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh.


Người mắc bệnh có khả năng phát tán virus gây bệnh trong tuần đầu tiên (giai đoạn ủ bệnh). Tuy nhiên thời gian lây nhiễm lại có thể kéo dài trong vài tuần bởi vì virus vẫn còn tồn tại nhiều trong phân và nước bọt của bệnh nhân.


Các con đường lây truyền virus gây bệnh tay chân miệng:

  • Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.

  • Hít, nuốt phải các dịch tiết, nước bọt người bệnh khi ăn uống chung, ho, hắt hơi, nói chuyện.

  • Tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước, bọng nước, phân của người bệnh.

  • Trẻ lành cầm nắm đồ chơi, chạm vào các vật dụng của trẻ bệnh.

  • Lây qua bàn tay người chăm sóc trẻ.

  • Bệnh tay chân miệng lây lan nhanh khi trẻ lành tiếp xúc với trẻ nhiễm bệnh.

Vì cách thức lây truyền bệnh khá nhanh nên tay chân miệng rất dễ bùng phát thành dịch lớn. Khi một trẻ bị mắc bệnh, nếu không có những biện pháp phòng tránh kịp thời thì những trẻ xung quanh cũng có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.


4. Các biến chứng của bệnh tay chân miệng

Dịch tay chân miệng hiện nay đang diễn biến khá phức tạp, tập trung chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Biến chứng tay chân miệng ở trẻ bao gồm thở yếu, khóc khan, da nổi bông, lạnh tứ chi, mạch nhanh, huyết áp cao.

Các biến chứng của bệnh tay chân miệng
Các biến chứng của bệnh tay chân miệng

Biến chứng tay chân miệng thường xuất hiện sau mấy ngày?

Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện rải rác quanh năm tại hầu hết các địa phương. Vào khoảng thời gian giao mùa, thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng là thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh. Dịch tay chân miệng hiện nay có xu hướng tăng cao trong hai khoảng thời gian chủ yếu từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12 hàng năm.


Trẻ mắc bệnh tay chân miệng khi có biểu hiện sốt cao và nôn nhiều dễ dẫn đến biến chứng. Biến chứng tay chân miệng bao gồm biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp, thường xuất hiện sớm khoảng từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh (trong giai đoạn toàn phát). Những biến chứng nguy hiểm của tay chân miệng là viêm não - viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Trong trường hợp không gặp biến chứng, hầu như các trẻ có thể hồi phục hoàn toàn từ 3 - 5 ngày sau giai đoạn toàn phát.


Những biến chứng của tay chân miệng

  • Biến chứng thần kinh

Biến chứng thần kinh của tay chân miệng bao gồm: Viêm não, viêm thân não, viêm màng não, viêm não tủy, với những biểu hiện: - Rung giật cơ (giật mình chới với): Co giật từng cơn ngắn 1 - 2 giây, chủ yếu ở tay và chân, thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu vào giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa; - Bứt rứt, ngủ gà, chới với, run chi, đi loạng choạng, mắt nhìn ngược; - Rung giật nhãn cầu; - Tăng trương lực cơ; - Yếu, liệt chi (liệt mềm cấp); - Liệt dây thần kinh sọ não; - Hôn mê là biến chứng nặng, thường kèm theo suy hô hấp, suy tuần hoàn.

  • Biến chứng tim mạch, hô hấp

Biến chứng tim mạch, hô hấp của bệnh tay chân miệng là: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim và trụy mạch. Những dấu hiệu nhận biết bao gồm: - Mạch nhanh (trên 150 lần/phút); - Thời gian làm đầy mao mạch chậm (trên 2 giây); - Biểu hiện rối loạn vận mạch, da nổi vân tím, đổ mồ hôi, tứ chi lạnh, có thể chỉ khu trú tại một vùng cơ thể (tay hoặc chân,...); - Biến chứng tay chân miệng ở giai đoạn đầu, huyết áp tăng cao (chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 110 mmHg (đối với trẻ dưới 1 tuổi), ≥ 115 mmHg (đối với trẻ từ 1 - 2 tuổi), ≥ 120 mmHg (đối với trẻ trên 2 tuổi). Giai đoạn sau: Không đo được mạch và huyết áp; Khó thở: Bệnh nhi thở nhanh, nông, khò khè, ngực rút lõm, hơi thở rít thanh quản, không đều;

- Phù phổi cấp: Trẻ sùi bọt hồng, khó thở, da tím tái, phổi nhiều ran ẩm, nội khí quản có lẫn máu hay bọt hồng.

  • Biến chứng đối với thai kỳ

Một số bằng chứng cho thấy, nhiễm bệnh tay chân miệng trong 3 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ dẫn đến sảy thai, mặc dù tỷ lệ xảy ra rất hiếm. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai vẫn nên phòng ngừa bằng cách hạn chế tiếp xúc gần với những người đang mang bệnh.

Bà bầu bị tay chân miệng có thể vượt qua bệnh để sinh con và em bé sinh ra với căn bệnh này thường chỉ biểu hiện những triệu chứng nhẹ.


5. Cách điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ

Nếu trẻ bị tay chân miệng ở thể nhẹ, chỉ bị mụn nước hoặc loét miệng thì bố mẹ có thể theo dõi hoặc làm theo hướng dẫn cách trị tay chân miệng tại nhà như sau.

– Nên

  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như Ibuprofen hay thuốc xịt gây tê ở miệng hoặc cho trẻ uống Paracetamol như Hapacol khi trẻ em sốt trên 38 độ với liều 10 – 15 mg/kg cân nặng mỗi 4 – 6 giờ.

  • Sử dụng kem chống ngứa, chẳng hạn như calamine, có thể giúp giảm bớt khó chịu khi phát ban.

  • Các thương tổn ngoài da của trẻ do phát ban, bỏng nước có thể bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.

  • Vệ sinh miệng cho trẻ bị tay chân miệng bằng dung dịch sát khuẩn, súc miệng bằng nước muối loãng.

  • Tắm rửa vệ sinh nhẹ nhàng cho bé hằng ngày bằng nước sạch để tránh bị tình trạng nhiễm khuẩn.

  • Cho trẻ uống nhiều nước mát và thức ăn dễ tiêu hóa, mềm, lỏng.

  • Cách ly trẻ bị bệnh tay chân miệng với các trẻ khác trong nhà.

  • Hạn chế cho trẻ gãi vì có thể làm vỡ mụn nước có thể gây nhiễm trùng và có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho trẻ.

– Không nên

  • Không sử dụng Aspirin để giảm đau cho trẻ em vì nó có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

  • Kháng sinh sẽ không có tác dụng nên đừng tự ý sử dụng thuốc cảm cho bé.

  • Không sát trùng bằng chanh hay muối vì có thể sẽ làm trẻ đau và xót, tổn thương da và để lại sẹo.

6. Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, phần lớn thường diễn biến không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt, trẻ đột ngột tiến triển nặng và gặp phải biến chứng nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời. Do đó, các bậc phụ huynh không nên chủ quan mà cần áp dụng các biện pháp để phòng tránh bệnh tay chân miệng hiệu quả.

Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng
Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng

Để phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ, phụ huynh cần chú ý những điều sau:

  • Giữ vệ sinh cá nhân: Đây là phương pháp hiệu quả giúp phòng ngừa được bệnh tay chân miệng và nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác. Mẹ nên hướng dẫn trẻ vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Không nên cho trẻ dùng chung đồ dùng cá nhân với người lớn chẳng hạn như khăn tắm, khăn mặt,…

  • Giữ vệ sinh ăn uống: Khi nấu thức ăn cho trẻ, mẹ cần vệ sinh tay và dụng cụ nấu ăn sạch sẽ. Đảm bảo cho trẻ ăn chín uống sôi. Không nên cho trẻ mút tay hay bốc thức ăn, khử trùng thìa, bát trước khi cho trẻ ăn.

  • Mẹ nên làm sạch đồ chơi của trẻ mỗi ngày: Thường xuyên vệ sinh không gian vui chơi và làm sạch đồ chơi của trẻ. Mẹ nên chú ý vệ sinh không gian vui chơi của trẻ, đặc biệt là những nơi mà trẻ hay tiếp xúc như mặt bàn, mặt ghế, sàn nhà. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên làm sạch đồ chơi của trẻ mỗi ngày. Không nên cho trẻ ngậm, mút đồ chơi.

  • Vệ sinh tay sạch sẽ với xà phòng: Rửa tay sạch sẽ với xà phòng trước khi nấu ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ ăn, sau khi dùng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt chú ý vệ sinh sau khi tiếp xúc với các bọng nước.

  • Tránh các hành vi tiếp xúc gần (như ôm, hôn, dùng chung đồ dùng) với các bệnh nhi khác cũng là một cách để phòng bệnh chân tay miệng.

  • Khi đã mắc bệnh, tạm thời không cho trẻ đi học tại mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc những nơi đông người cho tới khi các triệu chứng bệnh chân tay miệng đã lui hẳn.

7. Công tác phòng tránh bệnh tay chân miệng tại Mầm non Bình Minh

Hệ Thống Mầm Non Bình Minh luôn chú trọng vấn đề bảo đảm sự an toàn sức khỏe và thể chất cho bé. Để trẻ có môi trường học tập tốt nhất nhà trường luôn chủ động phòng tránh, nghiêm túc làm theo sự hướng dẫn của bộ y tế.


Đồ chơi và dụng cụ học tập của con luôn được vệ sinh với nước khử khuẩn, bảo đảm phòng tránh các vi khuẩn gây bệnh lây lan. Các lớp học được dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ mỗi ngày. Mỗi bé đến lớp đều được kiểm tra, vệ sinh tay chân với nước rửa tay khử khuẩn.


Hệ Thống Mầm Non Bình Minh luôn tạo dựng môi trường học tập an toàn - sạch sẽ phục vụ quá trình học tập và phát triển của trẻ tại trường.

8. Kết luận

Trên đây là những dấu hiệu của bệnh chân tay miệng, các biến chứng và cách phòng chống, qua bài viết này Hệ Thống Mầm Non Bình Minh mong rằng bố mẹ sẽ có những phát hiện sớm nhất và có biện pháp xử lý kịp thời cho trẻ.


Hệ Thống Mầm Non Bình Minh xin trân trọng cảm ơn!


MỌI THÔNG TIN XIN LIÊN HỆ


CS1: Mầm Non Bình Minh - Khương Đình

Địa chỉ: 37A ngõ 460 đường Khương Đình, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội

Hotline: 0962 969 295

Gmail: lienhe@mamnonbinhminh.com


CS2: Mầm Non Bình Minh -Hàm Nghi

Địa chỉ: 70 Nguyễn Văn Giáp, Cầu Diễn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Hotline: 091 178 04 80

Gmail: mnbinhminh.cs2@gmail.com

Comments


bottom of page