Dạo gần đây, người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng liên tục, người mắc bệnh bao gồm cả người lớn lẫn trẻ em. Nhận thấy được điều đó, Mầm non Bình Minh sẽ cung cấp cho bố mẹ các phương pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ cho con tại nhà.
1. Bệnh đau mắt đỏ là gì?
Bệnh đau mắt đỏ - hay còn được biết đến là bệnh viêm kết mạc - là tình trạng nhiễm trùng ở mắt, gây ra bởi vi khuẩn, virus hoặc do phản ứng với dị ứng; triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.
Bệnh thường khởi phát đột ngột, không có dấu hiệu cụ thể báo trước. Lúc đầu, người bệnh đau ở một bên mắt, sau lan dần sang bên mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan và mắc phải trong cộng đồng.
Hiện đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh đau mắt đỏ hay thuốc điều trị đặc hiệu, người bệnh đau mắt đỏ rồi vẫn có nguy cơ nhiễm lại chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng khỏi bệnh.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh đau mắt đỏ
Bệnh viêm kết mạc cấp hay dân gian gọi là đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, vào mùa hè, thu, bệnh thường gặp hơn và có thể lây lan trong cộng đồng, tạo nên dịch viêm kết mạc.
Dịch đau mắt đỏ thường kéo dài một tuần rồi hết. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp bất thường kéo dài hơn một tuần.
Triệu chứng của đau mắt đỏ thường là:
Đỏ một hoặc cả hai mắt;
Ngứa một hoặc cả hai mắt; cảm giác có sạn ở trong mắt;
Rỉ dịch ở một hoặc hai mắt; chảy nước mắt;
Mí mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ba ngày đến mắt thứ hai
Kèm theo có thể ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai (hay gặp ở trẻ em).
Đau mắt đỏ làm cho bạn có cảm giác như có một vật gì ở trong mắt mà không thể lấy ra được. Khi thức dậy mắt bị dính chặt lại do màng dử mắt.
Viêm kết mạc thường bị cả hai mắt mặc dù bệnh có thể xảy ra ở một mắt sau đó lây sang mắt kia sau một hoặc hai ngày. Bệnh có thể không cân xứng, một mắt nặng hơn mắt kia.
Trong nhà chỉ cần một người đau mắt đỏ thì hầu như các thành viên còn lại cũng bị theo. Biểu hiện lúc mắc bệnh là mắt bị đổ ghèn, đau nhức, sưng đỏ.
3. Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do vi rút Adenovirus, hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra.
Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… là những thời điểm mà cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.
4. Cách phòng chống bệnh đau mắt đỏ tại nhà
Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ, bố mẹ cần phải giúp các bé rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn tại nhà, tránh dùng chung đồ với những người đang mắc bệnh.
Bố mẹ lưu ý cần rửa tay ngay sau khi nhỏ mắt cho con. Việc hôn hít trẻ đang mắc bệnh đau mắt đỏ cũng cần được hạn chế, vì bố mẹ hay người nhà có thể bị lây bởi dịch tiết từ mắt bệnh nhi chảy xuống miệng và mũi.
Bố mẹ khi thấy bé có biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ thì nên đưa con đi khám sớm và điều trị kịp thời, tránh mắt bị bội nhiễm.
Thông thường, trẻ em sau khi được điều trị sẽ hết đỏ và đau mắt trong vòng 3 ngày, tuy nhiên, để bé khỏi hẳn thì phụ huynh nên cho con dùng thuốc đúng và đủ số lượng bác sĩ kê đơn.
Bên cạnh đó, bố mẹ hãy lưu ý những cách phòng chống bệnh đau mắt đỏ sau:
- Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
- Không dùng chung chăn, gối, chậu rửa mặt.
- Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.
- Không dùng tay dụi mắt.
- Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.
- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.
- Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…
- Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.
5. Cách chăm sóc khi bé bị bệnh đau mắt đỏ
Trong trường hợp bé bị nhiễm bệnh đau mắt đỏ, bố mẹ nên đưa con đi khám và điều trị, không nên dùng thuốc trái với chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, bố mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau để giúp trẻ giảm đau mắt khi nhiễm bệnh.
Thuốc nhỏ mắt: Dùng nước mắt nhân tạo không kê đơn hoặc thuốc nhỏ nước muối có thể làm dịu triệu chứng đau mắt đỏ. Trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng, thuốc nhỏ kháng histamine có thể dùng điều trị tình trạng này. Lưu ý, không để đầu ống nhỏ giọt chạm vào mắt, đồng thời rửa tay sạch sau khi nhỏ thuốc.
Chườm ấm: Đắp một chiếc khăn ấm và ẩm lên mắt trong vài phút có thể cải thiện triệu chứng đau mắt đỏ, bằng cách: Ngâm khăn sạch vào nước ấm rồi vắt khô; đắp miếng vải ẩm lên mắt và để nguyên cho đến khi nguội. Lặp lại hành động này nhiều lần trong ngày và thường xuyên nếu bạn thấy triệu chứng cải thiện; sử dụng khăn sạch để tránh lây nhiễm. Sử dụng khăn lau khác nhau cho mỗi mắt trong trường hợp bị đau mắt đỏ ở cả 2 mắt.
Chườm lạnh: Trường hợp biện pháp chườm nóng không cải thiện triệu chứng đau mắt đỏ, người bệnh có thể áp dụng chườm lạnh và ngược lại. Hãy dùng khăn sạch ngâm nước lạnh đã vắt khô đắp lên mắt giúp làm dịu, giảm sưng. Người bệnh lặp lại nhiều lần trong ngày. Chỉ nên áp dụng ở nhiệt độ vừa phải, tránh để khăn quá lạnh sẽ khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Kết luận
Mầm non Bình Minh hy vọng qua bài viết này, bố mẹ biết được các phương pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ hiệu quả, cũng như những dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc khi bé nhiễm bệnh.
MỌI THÔNG TIN XIN LIÊN HỆ
CS1: Mầm Non Bình Minh - Khương Đình
Địa chỉ: 37A ngõ 460 đường Khương Đình, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 0962 969 295
Fanpage: Mầm Non Bình Minh - Khương Đình
Gmail: lienhe@mamnonbinhminh.com
CS2: Mầm Non Bình Minh - Hàm Nghi
Địa chỉ: 70 Nguyễn Văn Giáp, Cầu Diễn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 091 178 04 80
Fanpage: Mầm Non Bình Minh - Hàm Nghi
Gmail: mnbinhminh.cs2@gmail.com
Comments